Madamchic Apple Slim Keo deo giam tao giam can

0 bình luận

Bánh kem sầu riêng nguyên múi: ‘Đặc sản’ mới của mùa hè

27/06/2021 | 10:00 sáng

Bánh kem sầu riêng nguyên múi: ‘Đặc sản’ mới của mùa hè. Với “con nghiện sầu” thì chiếc bánh kem dưới đây quả thực là một sức hấp dẫn “không thể chối từ”. Một bánh nhỏ chỉ tầm 150 nghìn.

Mùa hè – mùa các loại hoa quả lên ngôi. Sầu riêng được nhiều người ví “vua của các loại trái cây” cũng xuất hiện và gây thương nhớ với nhiều người. Tuy nhiên đây cũng là loại hoa quả gây tranh cãi, bởi nếu không ngửi được mùi thì quả thực chính là “thảm hoạ”, nhưng với những người ngửi và ăn được thì đích thực sẽ thành “con nghiện sầu”.

madamchic.vn - Bánh kem sầu riêng nguyên múi Đặc sản mới của mùa hè 2

Chiếc bánh có dạng bánh mousse.

Sầu riêng ngoài việc ăn trực tiếp còn được sử dụng để nên những chiếc bánh kem sầu hấp dẫn, không kém và thu hút giới trẻ. Mới đây, trên mạng xuất hiện một loại bánh kem có nguyên múi sầu riêng tươi, đảm bảo “con nghiện sầu” không thể bỏ qua

Được biết, đây là một quán bán online các loại bánh tại TP.HCM. Nếu muốn mua  bạn cần đặt trước 1 ngày với 3 loại size bánh:

bánh lớn (585.000đ), bánh nhỏ 1 múi (150.000đ), bánh nhỏ 2 múi (195.000đ).

madamchic.vn - Bánh kem sầu riêng nguyên múi Đặc sản mới của mùa hè 1

3 size bánh khác nhau tại quán

Theo chia sẻ từ food blogger Tebefood

Một ổ bánh lớn dành cho 3-4 người ăn, có 5-6 múi sầu riêng đã được tách sẵn hạt.

madamchic.vn - Bánh kem sầu riêng nguyên múi Đặc sản mới của mùa hè

Những miếng sầu riêng lớn, được ăn kèm cùng bánh kem sẽ tạo cảm giác béo ngậy

Bánh được fodd blogger Tebefood đánh giá là không quá ngọt, dạng mousse nên chỉ có một lớp gato mỏng, mềm mịn kết hợp cùng với sự béo ngậy và mát lạnh từ kem, đậm vị sầu riêng. Nhiều thực khách cho biết, một miếng bánh ăn kèm sầu riêng mang lại cảm giác béo ngậy, đặc biệt thích thú.

Múi sầu lớn

madamchic.vn - Bánh kem sầu riêng nguyên múi Đặc sản mới của mùa hè 4

2 size bánh nhỏ hơn để thử

Đây là một quán bán online. Bạn có thể tự order và thưởng thức thử loại bánh đặc biệt hấp dẫn này.

BnB BAKERY

Địa chỉ: @bnbbakery.vn (bạn có thể đặt bánh qua kênh Instagram hoặc Facebook)

Giá: 150.000đ – 585.000đ

Theo Travelmag 

JuJi

Tags:
0 bình luận

Tội ác và hình phạt – Cái giá của sự ngộ nhận đức tin

04/09/2021 | 10:30 sáng

Tội ác và hình phạt là tác phẩm không chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ, nhưng đủ để khiến bạn đọc căng não bởi sức nặng tâm lí của thế giới nội tâm những người dưới hầm xã hội Nga vô thần.

Hình ảnh con người nhỏ bé, con người tìm đường được tác giả chung đúc khéo léo, bên cạnh quá trình thức tỉnh của một con người lạc lối. Các mạch ngầm tư tưởng kết nối một cách linh hoạt, uyển chuyển thông qua các cuộc đối thoại thiết lập tương quan giao tiếp giữa người nghệ sĩ, bạn đọc và nhân vật. Tất cả đã tạo nên một công trình tiểu thuyết đa âm mới mẻ mang màu sắc Nga đặc trưng.

MadamChic - toi-ac-va-hinh-phat-cai-gia-cua-su-ngo-nhan-duc-tin.jpg

Ảnh: @tiemsachdieubong

Dành cả cuộc đời đi tìm tiếng nói con người trong con người

Fyodor Dostoevsky, một người nghệ sĩ mạnh mẽ trên con đường lao động nghệ thuật tròn ba thập kỉ rưỡi, với những dư ảnh của sự nghèo nàn, túng thiếu cùng hải hà năm tháng tù đày tăm tối, đổi lấy chuỗi ngày tràn ngập ánh sáng đẹp đẽ trong cuộc hành trình sáng tạo con chữ. Những kiệt tác của ông, tiêu điểm là tác phẩm Tội ác và hình phạt đã thổi bùng ngọn lửa văn chương vốn rực rỡ của nền văn học Nga, nay càng thêm rạng rỡ bội phần trên văn đàn thế giới. Điều Dostoevsky thật sự quan tâm là hệ quả của quá trình kết nối, xử lí dữ liệu nội bộ trong linh hồn của mỗi người.

Xuất phát từ sự hiện diện ý thức bản thân, nhân vật của Dostoevsky luôn phải đối mặt với những cuộc chiến tâm lí phức tạp ngỡ như không có lối thoát. Bakhtin từng nhận xét về phong cách nghệ thuật của Dostoevsky như sau: “Dostoïevski tìm kiếm một nhân vật chính có ý thức thượng thừa, một nhân vật chính mà cuộc đời hoàn toàn dựa trên ý thức bản thân và ý thức cuộc sống”. 

Nhân vật ông không bon chen giữa cuộc đời tấp nập để rồi chảy trôi theo dòng sự kiện. Ẩn mình trong họ là tiếng nói của tư tưởng, của hoài bão, của những mộng tưởng dẫu sự sống mãi tìm cách bóp nghẹt hơi thở của ý thức. Chúng ta thử truy nguyên để rồi lí giải lực hút đặc biệt Dostoevsky dụng công thiết lập trong ma trận ngôn ngữ tiểu thuyết Tội ác và hình phạt, để thấu cảm màu sắc nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ hết mình vì con người.

Thế giới của sự tự do đối thoại 

Sáng tác của Dostoevsky không đơn thuần xây dựng lên như công cụ khuyếch tán tư tưởng của tác giả, cao cả hơn, trong thế giới đó, nhà văn trở thành người tham gia bày tỏ ý thức cùng nhân vật nhưng nắm trong tay đặc quyền điều động các cuộc đối thoại. Dostoevsky đã trao cho nhân vật sự tự do mà không phải nhân vật nào cũng có được.

Họ tự do bày tỏ tiếng nói âm ỉ nơi đáy sâu tâm hồn, được phép vượt thoát ra khỏi ranh giới tư tưởng của người sáng tạo ra chính mình, độc lập phát ngôn ý kiến đôi khi là đấu tranh, phản bác chính ý thức hệ của nhà văn. Ý thức của nhân vật vang lên như một thanh âm riêng biệt song hành cùng với tiếng hát của tác giả góp phần tạo nên một khúc ca mang nhiều màu sắc, khúc ca kết tinh sinh lực của một hoa tiêu trong giới tiểu thuyết đa âm.

Trong Tội ác và hình phạt, sự tự do hiện hữu tạo tiền đề hình thành các cuộc đối thoại.

Thông qua chúng, Dostoevsky để Raxcolnicov truyền những tần số đơn độc trong thế giới của chính mình. Càng đối thoại, anh càng thấy bản thân rơi vào hố sâu của tội lỗi, bao lỗ hổng trong tư tưởng dần lộ diện để rồi tất cả đẩy anh lọt thỏm trong những khủng hoảng, những vỡ vụn nơi tinh thần.

Cũng chính từ những cuộc hội thoại, đặc biệt với Xonia và Porfiri, Raxcolnicov được va đập với các hệ tư tưởng khác nhau dẫn đến thúc đẩy quá trình chất vấn, đi sâu vào nội tâm để kiếm tìm con đường giải thoát cho chính mình. Họ đã trao đổi thông tin gì với nhau, họ đấu tranh cho tư tưởng của mình như thế nào khi xuyên suốt tác phẩm, độc giả luôn chứng kiến nhân vật chính mãi vùng vẫy trong chuỗi ngày đớn đau lẫn xác và hồn.  Bạn đọc chỉ có thể giải đáp bao băn khoăn ấy bằng cách thả hồn mình vào từng ngóc ngách trong thế trận của Dostoevsky tạo ra, để cảm nhận, để hiểu và để chiêm nghiệm.

MadamChic - toi-ac-va-hinh-phat-cai-gia-cua-su-ngo-nhan-duc-tin 1.jpeg

Ảnh: @quan_sach_mua_thu

Sự tự do đẩy đến vực thẳm 

Dostoevsky không chỉ ban cho nhân vật đặc ân tự do đối thoại mà còn cho phép họ quyền lựa chọn điểm tựa của niềm tin. Ở Raxcolnicov, anh trao tất thảy sự tin tưởng của mình cho chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Nghĩa là anh quay lưng và khước từ niềm tin đối với Chúa. Về bản chất, niềm tin là bộ lọc thông tin chỉ lối cho mọi hành động.

Khi hiện hữu niềm tin về chủ nghĩa anh hùng, phần nào Raxcolnicov tồn tại suy tư rằng bản thân có phải là một siêu nhân hay không? Và để kiếm tìm lời hồi đáp cho trăn trở, anh đã hạ quyết định đi đến một thử nghiệm, giết mụ cầm đồ. Thế nhưng, khi thực hiện hành động xác thực niềm tin của mình, Raxcolnicov vô tình đã làm lung lay, thậm chí là sụp đổ bước đầu cho niềm tin vô thần của bản thân qua hành động giết Livazeta. Hành động mang tính tàn bạo, sát nhân ấy không thể nào biện hộ bằng lí lẽ nào được.

Sinh thể Raxcolnicov nắm trong tay quyền năng tự do đối thoại trong thế giới ngôn từ của Dostoevsky đã chỉ rõ sự ảnh hưởng của nguyên tắc tự kỉ ám thị lên niềm tin của anh.

Những suy nghĩ của con người khi được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, chúng ta sẽ tin vào điều mà bản thân hoài nghi.

Minh chứng xác thực nhất chính là sự tác động của cuộc đối thoại giữa hai người sinh viên về mụ cầm đồ, chứng tỏ mụ ta là người không tốt. Sự kiện này càng củng cố niềm tin, hành động cho Raxcolnicov. Một lần nữa, Dostoevsky tiếp tục để nhân vật lạc vào các cuộc đối thoại, nơi tư tưởng của nhân vật phải cọ xát, va đập để nhận thức, thấu hiểu, giác ngộ.

Những lí thuyết, lập luận logic, sắc bén của anh dần phai mờ, thay vào đó là sự hoài nghi dẫn đến chuỗi ngày tiếp theo, nhân vật phải đối mặt với bao dằn vặt, đau đớn đến từ bản án lương tâm của chính mình. Với sự xuất hiện của Xonia và Porfiri – những nhân vật góp phần thắp nên ánh sáng trên con đường cứu rỗi đối với nhân vật chính, Dostoevsky đã chỉ ra lỗ hổng trong tư tưởng của Raxcolnicov một cách khéo léo, tinh tế.

Tuy nhiên, sau tất cả, đó chỉ mới là sự lay thức đối với niềm tin của Raxcolnicov. Cho đến tận cuối cùng, khi bị lưu đày, niềm tin đối với chủ nghĩa anh hùng của Raxcolnicov vẫn còn đó.

Nó chỉ thực sự sụp đổ khi anh trải qua cơn mơ về ngày tận thế để rồi tìm đến với Thiên chúa. 

Như vậy, niềm tin của Raxcolnicov đã chứng minh cho chúng ta thấy, khi niềm tin lựa chọn điểm tựa không dựa trên phương diện đạo đức, khước từ những ràng buộc, nó sẽ đẩy con người vượt ra khỏi những giới hạn để rồi vượt ngưỡng của tính người. Vị kỉ cực đoan, siêu nhân chủ nghĩa chính là hủy diệt nhân cách của con người. Do đó, Dostoevsky đã đưa ra hướng giải quyết, đặt niềm tin vào Chúa, vào sự cứu rỗi, con đường cứu chuộc. Nghĩa là đặt điểm tựa vào niềm tin tôn giáo, niềm tin vào những ràng buộc về đạo đức.

Khép lại trang sách cuối cùng, điều Dostoevsky để lại cho bạn đọc không đơn thuần là câu chuyện phạm tội của một tên sát nhân. Ẩn sâu dưới những con chữ, người nghệ sĩ ấy đã lặn mình vào đáy sâu tâm lí kẻ phạm tội, nhìn nhận nó, diễn tả nó, đánh giá nó.

Không dừng lại ở câu chuyện về con người, Tội ác và hình phạt còn đem lại nhiều góc nhìn mới ở phương diện nghệ thuật, những phát kiến mới ở vùng đất tiểu thuyết vốn đã có quá nhiều dấu chân thành công. Những gì bạn nên làm ngay bây giờ chính là cầm tác phẩm lên và để chính mình thấu hiểu bao giá trị nhân sinh trong một kiệt tác nghệ thuật kì công. 

0 bình luận

Cách làm sạch da heo, lông heo một cách nhanh chóng nhất

15/08/2021 | 2:30 chiều

Da heo vốn được biết đến với hương vị thơm ngon, hấp dẫn đã làm say đắm biết bao nhiêu người. Thế nhưng, để làm nên món ngon ấy bạn đã biết cách sơ chế da heo cho sạch chưa? Nếu chưa, thì để chuyên mục Mẹo vào bếp đem đến cho bạn các cách làm sạch da heo, lông heo nhanh nhất nhé!

1. Sử dụng dao cạo

Sử dụng dao cạo được xem là cách thông dụng nhất khi muốn làm sạch da heo. Tuy nhiên, bạn phải sử dụng dao lam sắc bén thì hiệu quả đạt được cao hơn.

madamchic.vn - cach lam sach da heo don gian.jpg

Đầu tiên, bạn cạo theo 1 chiều nhất định, đồng thời theo hướng từ trên xuống của phần da heo, đặc biệt là ở những chỗ còn lông thì nên chú ý cẩn thận để làm sạch.

Đối với phần da có lông khó vệ sinh, thì bạn có thể dùng nhíp để loại bỏ hết sạch phần lông đem lại hương vị trọn vẹn cho món ăn.

madamchic.vn - cach lam sach da heo don gian 1.jpg

2. Áp chảo phần da

Một cách khác bạn có thể sử dụng chính là áp chảo phần da. Đầu tiên, làm nóng chảo với lửa lớn 5 – 7 phút. Sau đó, đặt phần da heo xuống bề mặt chảo, dùng tay cầm vào phần bề mặt còn lại chà đi, chà lại khoảng 3 phút, đến khi thấy phần da hơi cháy đen.

Kế đến, bạn dùng dao sắc, bén cạo sạch đi phần cháy trên da heo rồi tiến hành chế biến thành các món ngon là được rồi nhé!

3. Sử dụng nước sôi

Bên cạnh đó, sử dụng nước sôi để làm sạch da heo cũng là cách được rất nhiều chị em tin dùng bởi vừa dễ dàng, nhưng hiệu quả thì lại cực kì cao.

Chỉ cần bắc nồi lên bếp tiến hành đun sôi nước, sau đó cho da heo vào chần sơ trong vòng 10 – 15 phút, kế đến vớt ra để nguội 5 phút. Cuối cùng, dùng dao cạo có độ sắc, bén cạo đi phần lông ở trên bề mặt da nữa là đã hoàn thành rồi!

madamchic.vn - cach lam sach da heo don gian 3.jpg

4. Dùng baking soda

Ngoài những cách trên, thì bạn cũng có thể sử dụng baking soda để làm sạch da heo.

Chỉ cần bắc nồi lên bếp tiến hành đun sôi hỗn hợp nước cùng 1 ít baking soda, kế đến cho da heo vào chần sơ khoảng 5 phút, vớt ra rồi dùng dao tương đối bén cạo sạch đi phần lông theo 1 chiều nhất định, bạn sẽ thấy hiệu quả ngay lập tức.

madamchic.vn - cach lam sach da heo don gian 4.jpg

Vậy là,MadamChic vừa đem đến bài viết về các cách làm sạch da heo, lông heo vừa đơn giản, nhanh chóng mà còn sạch sẽ cực kì. Nhờ có những mẹo trên mà hương vị món ăn của bạn sẽ được trọn vẹn hơn rất nhiều đó nha!

Sưu tầm

JuJi

0 bình luận

Kỹ Nghệ Lấy Tây – Khi hôn nhân là một cái nghề

11/08/2021 | 2:30 chiều

“Kỹ nghệ lấy Tây” viết về phụ nữ dưới thế lực đồng tiền – chấp nhận bán rẻ bản thân, làm nô lệ cho những dục vọng thấp hèn – là sản phẩm của xã hội lai căng thời Pháp thuộc.

Vũ Trọng Phụng viết “Kỹ nghệ lấy Tây” khi vừa mới 22 – ở cái ngưỡng cửa cuộc đời mà đa phần giới trẻ thời nay thường phải đối mặt với ba chữ thất (thất học, thất nghiệp, thất tình) – thì ông đã lăn xả trên văn đàn Việt Nam hơn 3 năm và ngòi bút được đánh giá là đã “chín”.

Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để tác giả đi viết một thiên phóng sự với cái nhan đề “Kỹ nghệ lấy Tây”.

Mãi đến một buổi sáng kia, một me Tây trước vành móng ngựa đã nói một câu khiến cho công chúng quên khuấy đi mình đang ở chỗ trang nghiêm, tưởng dè lúc đó đương xem hát bội mà thích chí cười ồ. Còn hai ông biện lý và chánh án thì ngẩn người nhìn nhau rồi mỉm cười.

– Tên là gì?

– Nguyễn Thị Ba.

– Bao nhiêu tuổi?

– Hăm nhăm.

– Làm nghề gì?

– Trước lấy một ông phó đoan, sau lại lấy một ông…

– Im! Nghề gì chứ ai hỏi chồng!

– Sau lấy một ông cập-ten.

– Không có nghề phải không? Vô nghề nghiệp (quay lên quan toà). Sans profession.

– Việc gì mà vô nghề nghiệp?

– Thế làm nghề gì?

– Làm nghề gì? Làm nghề… làm nghề lấy Tây!

Trước câu trả lời táo tợn của thị, cái mỉm cười của hai ông quan tòa làm Vũ Trọng Phụng khó hiểu quá xá. Sao thị kia dám sưng sưng như thế? Hay là có nghề lấy Tây thật? Mà sao hai ông quan tòa lại chỉ mỉm cười? Chỉ tha thứ? Hay là hai Ngài đã hiểu lời khai ấy không sai với sự thực đó chăng?

Hành trình đi tìm nguyên do cái cười mỉm của hai ông quan tòa.

Phạm Thế Ngũ từng nói rằng, đọc những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, “ta thấy công phu điều tra, khiếu quan sát, sự lịch duyệt của tác giả.”

Tác phẩm “Kỹ nghệ lấy Tây” gồm 10 chương, trừ chương cuối là phần kết luận, thì xuyên suốt 9 chương còn lại là quá trình điều tra, thu thập tài liệu của tác giả.

Trong chuyến đi đến xóm Thị Cầu, tác giả đã được trông thấy hẳn hoi một cuộc “ly dị” chồng với một buổi cưới chồng của bà Kiểm lâm, đã được rõ cái tâm sự phân vân của cô con lai Suzanne, đã được nghe một đoạn đời lấy 9 người vợ của Đi-mi-tốp, đã được mục kích bà Đội Tứ, người chôn các me, con sư tử mất ngôi, dạy dỗ con em ấy cái “tuých” cho khỏi bị chạy làng… Cũng thấy được một cảnh mà tác giả gọi là “ghê gớm” của mẹ con bà Ách Nhoáng.

“Cái giường của một me tây cũng như cái dùi khui của một thầy cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viên Việt Nam. Trong cái kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên giường.”

Bằng tài ăn nói khôn ngoan, có phần láu lỉnh theo phương phâm “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, bởi vì một anh chàng làm báo trẻ tuổi và yếu ớt lại lăn lóc ở chỗ có những ông chồng cả ghen người Âu châu, thì thật sự có nhiều điều nguy hiểm.

Việc đi phỏng vấn, lấy thông tin, ghi lại các cuộc trò chuyện, mà ở trong đấy tác giả đóng vai trò gợi mở, luôn ở trong tâm thế “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, cốt để lấy thông tin và ý nghĩ chân thực của các đối tượng, đã thổi vào sự dí dỏm hài hước trước một tác phẩm mang nội dung khá nặng nề là tệ đoan xã hội.

Sự trào phúng càng đưa tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đi xa hơn, khiến ông có thể nhìn những đau thương qua lăng kính trào lộng, tạo thêm một sức mạnh, một sức đau đớn xót xa mới mà các tác giả cùng thời chưa đạt được.

Để rồi khi hiểu được cái mỉm cười của hai ông quan tòa, tác giả vẫn buông câu bông đùa chua chát: “Vả lại, nói nhiều mà làm gì? Sự thật bao giờ lại không là sự thật.”

Sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Dưới thời thực dân nửa phong kiến, Nho giáo bị thất thế nhưng vẫn ngự trị ngấm ngầm, kết hợp với làn sóng phương Tây cưỡng ép xâm nhập, đã tạo nên những sự thay đổi đầy lố lăng, kệch cỡm, một xã hội văn minh rởm đời…

Làm báo, Vũ Trọng Phụng có phong cách của nhà báo. Ông nói thẳng, nói thực. Ông tả chân. Vũ Trọng Phụng dám đưa ra những vấn đề cấm kỵ nhất của xã hội Việt Nam dưới thập niên 30 – 40 của thế kỷ XX, đó là vấn đề tính dục, vấn đề đồng tình luyến ái, vấn đề mãi dâm… Ông cũng không ngại đi vào những vùng thâm u nhất của xã hội để điều tra sự thật: xã hội cờ bạc, xã hội lấy Tây, xã hội làm điếm, xã hội con sen…

Gọi chung chung là xã hội lấy Tây, kỹ nghệ lấy Tây, bởi vì người thợ làm nghề này có cả đàn bà lẫn đàn ông. Các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng theo chất lượng (số tiền nhận được) giảm dần: xi-vin, cô-lô-nhần và lê dương. Còn các anh đàn ông thì coi cô vợ đầm lai như một cái mỏ vàng.

“Kỹ nghệ lấy Tây” tập trung phản ánh hiện thực một cách chân thực về tất cả các khía cạnh của cái xã hội lấy Tây đó.

Ở cái thời buổi mà đồng tiền có sức mạnh vạn năng. Ở cái xã hội mà công lý không nằm bên lẽ phải mà nó nghiêng hẳn về phía có túi tiền nặng hơn. Thì con người cũng thay đổi theo xã hội, bị tha hóa dưới thế lực đồng tiền. Họ không sống theo luân thường đạo lý, nhân nghĩa hay liêm sỉ nữa, họ đặt đồng tiền lên đầu quả tim. Và dĩ nhiên trong cái thế sự đó, ái tình là một thứ xa xỉ, yêu đương mà không có tiền quả là cái thứ tình ngu muội.

Vì lẽ đó, nghề lấy Tây thỏa mãn sự thiếu tiền của người An Nam và sự thiếu tình dục của người Tây phương trên đất thuộc địa. Có cung có cầu thì có giao dịch có thị trường. Có cả sự cạnh tranh nhau của những người trong cuộc từ những bà mai cho đến những thằng Tây, me Tây. Có các cuộc ngã giá theo quan niệm “thuận mua vừa bán”.  Xuất hiện những cảnh dạy nghề, học nghề, dắt mối ăn tiền. Một xã hội thật lố lăng!

Những me Tây đó, từ thời còn non tươi mơn mởn đến khi hoa tàn ít bướm, cuộc đời đó họ có gì? Chỉ là những tháng ngày bị chà đạp trong vũng bùn vật chất và làm nô lệ cho dục vọng thấp hèn của bọn lính Tây, bị đối xử như đĩ điếm. Phải chăng, lấy Tây là nghề mại dâm trá hình đang núp bóng dưới một xã hội được cho là văn minh?

Tấm lòng nhân đạo của văn sĩ tả chân họ Vũ.

Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Điều quan trọng nhất đối với một cây bút hiện thực chủ nghĩa không phải là đi thực tế dài hay ngắn, được “tham quan” nhiều hay ít. Điều quyết định là tấm lòng có nhập cuộc hay không, tâm huyết có để vào những điều mình tìm hiểu và thuật kể hay không.”

Vũ Trọng Phụng đạt được còn hơn thế, nhờ cái tài tả chân với vốn từ thăng hoa sống động, mà trên hết là cái tâm với nghề.

Tác giả mượn cái cười mỉm của hai ông quan tòa làm điểm khởi phát cho thiên phóng sự thêm phần ý vị. Nhưng qua cách đặt câu hỏi sau khi nghe mụ me Tây trả lời, sao thị lại dám sưng sưng như thế? Ông tỏ rõ một thái độ lên án và phê phán nghề lấy Tây này, có là cái vinh dự chi mà thị lại dám táo tợn thừa nhận một cách hiển nhiên như vậy?.

Vũ Trọng Phụng vạch rõ một bộ mặt xấu xí của xã hội, giữ thái độ cương quyết bài trừ tệ đoan. Nhưng ông vẫn thể hiện lòng cảm thông cho số phận con người. Đặc biệt dành lòng quan tâm sâu sắc cho số phận của những đứa trẻ con lai vô thừa nhận.

madamchic.vn - ky nghe lay tay, khi hon nhan la mot cai nghe 1.jpg

Ảnh:ashleedoan

Những đứa con tinh thần mang gen trội của Vũ Trọng Phụng. 

Phùng Tất Đắc có đề lời tựa cho “Kỹ nghệ lấy Tây”, trong đó có ghi:

“Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử, nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét, suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi?”

Trang viết này vào thời các cụ thì không sai, nhưng ở tương lai của các cụ, chính là khoảng thời gian từ đó đến bây giờ thì coi bộ còn thiếu chính xác, thiếu chính xác ở chỗ – “những sự trạng người sau không thấy nữa” – khi mà có vài sự trạng thời này vẫn xảy ra, dẫu có biến tấu râu ria nhưng bản chất vẫn như cũ.

“Kỹ nghệ lấy Tây” của Vũ Trọng Phụng không chỉ có giá trị nhất thời, không chỉ là tệ đoan xã hội dưới thời Pháp thuộc, mà còn có giá trị dưới mọi thời. Bởi vì, chỉ cần đổi tên “Kỹ nghệ lấy Tây” thành “Kỹ nghệ lấy Mỹ”, thế là ra đời một phóng sự viết về hoàn cảnh phụ nữ thời 1954 -1975 ở miền Nam, hay “Kỹ nghệ lấy Đại Hàn” hoặc gộp luôn thành “Kỹ nghệ lấy ngoại quốc” là nên một thiên phóng sự đầy tính thời sự nóng bỏng cho năm 2019.

“Kỹ nghệ lấy Tây” được viết năm 1934, sau 85 năm, tác phẩm này vẫn “sống” – là “sống” chứ không phải chỉ tồn tại.

Cũng không phải riêng “Kỹ nghệ lấy Tây”, những thiên phóng sự khác của ông, thậm chí là tiểu thuyết, như “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Giông tố”, “Lục xì”… đều là những đứa con tinh thần có gen mạnh, gen trội. Dù thời gian có trôi, xã hội có thay đổi, chúng vẫn có khả năng tự tái sinh, những tệ đoan mà tác phẩm viết đến vẫn còn là những ung nhọt của hiện tại, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn hiện diện trong một bộ phận người đương thời.

Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, như mở một con đường tư tưởng xuyên sâu vào sự lầm than của kiếp người, của sự người bóc lột người, nó tồn tại ở bất cứ nơi nào, thời nào, nó sâu sắc khốc liệt hơn dưới những chế độ độc tài mà pháp luật dừng lại ở vùng ngoại cảnh.

Victor Hugo – đại văn hào Pháp đã từng nói:“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.” Vũ Trọng Phụng đã không phải bẻ và vứt bút đi, thiên chức của ông đã được hoàn thành một cách trọn vẹn. 

Nguồn: Reviewsach

JuJi